Top 10 món ngon được làm từ sake dễ dàng chế biến

Cây Sa kê được trồng nhiều ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Quả sa kê chứa nhiều chất dinh dưỡng và được chế biến ra rất nhiều món ăn ngon. Sau đây là Top 10 món ngon được làm từ sake dễ dàng chế biến dành cho các chị em “ghiền sa kê”. Vào bếp và thử làm ngay món sa kê yêu thích thôi nào. 

Top 10 món ngon được làm từ sake dễ dàng chế biến

1. Canh sườn nấu sake

Nguyên liệu:

  • Sake: 1 trái lớn hoặc 2 trái nhỏ.
  • Sườn: 400 gram.
  • Lá hành, lá ngò.

Cách làm:

– Sườn chặt khúc vừa, rửa sạch với nước muối loãng. Nấu một nồi nước sôi chần sườn sơ qua rồi vớt ra cho ráo nước, đổ phần nước đã chần sườn đi.

– Cho sườn vào nồi, đổ thêm một lượng nước vừa ngập đủ sườn rồi bật lửa nấu. Cho thêm củ cải trắng hầm chung để ngọt nước. Lưu ý khi hầm nên thường xuyên vớt bỏ bọt để nồi canh trong hơn.

– Sake chọn trái vừa ăn, còn tươi ngon không bị héo, cắt bỏ phần vỏ và phần cùi ở giữa. Phần cơm sake cắt đôi, rồi cắt thành từng miếng vừa ăn. Ở đoạn này nên chuẩn bị sẵn thau nước muối loãng để khi cắt sake thì ngâm ngay vào. Làm vậy sake sẽ không bị đen. Sau đó rửa sake lại với nước cho sạch.

– Nồi sườn hầm chín, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cho sake vào nấu khoảng 5-10 phút nữa, cắm đũa thấy sake chín mềm là được. Tắt bếp rồi rắc thêm hành ngò bên trên cho thơm.

canh-suon-nau-sake

Trái sake tươi làm sạch mủ với nước muối loãng đem hầm chung với sườn. Vị ngọt thanh của tủy sườn và sakê, có nhiều tác dụng với sức khỏe.

2. Sake chiên giòn

Chuẩn bị:

  • 2 trái sa kê
  • Bột chiên giòn
  • 1 quả trứng gà
  • Dầu ăn
  • Một ít muối

Cách làm:

Sa kê gọt bỏ vỏ xanh bên ngoài, cắt làm 4 khúc và thái lát mỏng vừa ăn dọc theo miếng sa kê.

Cho bột chiên giòn ra tô, đổ nước vài từ từ và trộn đều để tránh bột bị quá nhão. Sau khi bột đều, đập quả trứng vào rồi cho thêm ít muối. Đánh đều thêm lần nữa để có được hỗn hợp bột chiên sệt.

Bật bếp đun sôi chảo dầu. Nhúng đầu đũa vào dầu nếu thấy bọt sủi lên ở đầu đũa thì có thể bắt đầu chiên.

Gắp từng miếng sa kê nhúng vào phần bột đều hai mặt, lần lượt thả vào chảo dầu đang sôi. Chiên vàng mặt hai bên thì vớt ra. Lần lượt làm tương tự như vậy cho đến hết phần sa kê và bột còn lại.

Cho giấy thấm dầu lên đĩa đựng sa kê và dùng ngay khi còn nóng. Bạn có thể ăn kèm với tương ướt hoặc tương cà tùy thích để cảm nhận độ giòn, vị bùi ngậy của sake tẩm bột chiên.

3. Gỏi sake tôm thịt 

Nguyên liệu:

  • 1 trái sake.
  • 200g thịt ba rọi.
  • 200g tôm bóc vỏ.
  • Đậu phộng rang.
  • Các loại gia vị: Tiêu, nước mắm (1 thìa), muối (½ thìa), bột ngọt (½ thìa), đường (½ thìa), dầu ăn (2 thìa).
  • 4 đầu hành lá.
  • 2 trái ớt hiểm.
  • 4 củ hành tím.
  • Rau răm.

Cách làm:

Đầu tiên, sake chọn trái còn non, gọt vỏ ngoài, bỏ cùi, cắt cục to hoặc nhỏ tùy ý. Đem ngâm muối để hết mủ, bớt nhớt. Ngâm tầm khoảng 30 phút rồi xả nước cho sạch.

Luộc sake chín đủ, không để quá mềm khi trộn sẽ không ngon. Sau khi luộc xong thì xả với nước lạnh rồi để ráo.

Tiếp theo, tôm lột vỏ, thái hạt lựu. Ướp tôm với đầu hành lá, 1/4 thìa cà phê tiêu, 1/4 thìa cà phê muối, để 30 phút cho thấm gia vị vào tôm.

Thịt đem thái hạt lựu, ướp với hành tím đã băm nhuyễn, cho thêm 1/4 thìa cà phê tiêu, 1/2 thìa nước mắm, để đến 30 phút cho thấm gia vị đều.

Bắt chảo lên bếp, bỏ 1 thìa dầu vào và phi thơm 1 củ hành tím. Cho thịt vào xào với lửa vừa, đến khi thịt vừa ra mỡ thì tắt bếp, múc ra chén. Cho tiếp 1 thìa dầu ăn, phi thơm 1 củ hành tím, cho tôm xào săn thịt lại rồi cũng múc ra để riêng.

Rau răm thái nhỏ ra còn đậu phộng dùng chày giã sơ cho hơi nát. Chanh cắt miếng vắt lấy nước. Cho thịt, tôm, rau răm, ít tiêu, bột ngọt, nước mắm, đậu phộng, đường, chanh vào và trộn đều tất cả nguyên liệu. Cuối cùng, bày ra đĩa và thưởng thức món gỏi sa kê thôi nào. 

4. Chè Sake lá dứa

Nguyên liệu:

  • Sa kê : 1 trái nhỏ
  • Lá dứa: 100g
  • Bột năng: 50g
  • Nước cốt dừa: 1 lon
  • Đường trắng: 300g
  • Muối ăn: nửa thìa cà phê 

Thực hiện:

– Gọt vỏ sa ke rồi cắt làm tư, bỏ luôn phần cùi ở giữa đi. Tiếp theo, cắt sa kê ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Chuẩn bị chậu nước muối loãng ngâm cho sa kê khỏi bị thâm.

– Rửa sạch lá dứa, cắt thành khúc nhỏ để dễ xay. Cho lá dứa cùng 100ml nước lọc vào máy sinh tố, bật xay nhuyễn rồi lọc bỏ bã lấy nước cốt màu xanh đậm. 

– Cho bột năng nước lạnh rồi hòa tan. Đặt nồi nước cốt lá dứa lên  bếp đun sôi cùng 3 thìa đường và 1 thìa muối. Để sôi được 10 phút thì cho sa kê vào ninh tầm 20 phút nữa. Nhấn đũa thấy sa kê đã chín mềm thì đổ bát nước bột năng vào khuấy đều tay. Tránh để bột năng không bị vón cục. Khi nào nồi chè đặc sệt và có màu trong thì mới bỏ đường vào, khuấy đều cho ngấm đường.

– Múc chè ra chén rồi rưới lên trên một chút nước cốt dừa cho thơm ngậy và giờ thì thưởng thức thôi nào.

5. Sake chiên xù

Chọn những trái sa kê già thì khi ăn sẽ bùi hơn. Sake gọt bỏ lớp vỏ, cắt đôi luộc chín và bỏ phần cùi bên trong. 

Bóp nát 200 gram sake sẽ dùng 20 gram bột chiên giòn. Nhồi đều đến khi nào bột và sa kê dẻo là được. 

Phần nhân thì dùng lát heo chay, cắt sợi nhỏ. Nấm mèo cũng cắt nhỏ rồi mang đi xào, nêm nếm gia vị gồm đường và hạt nêm chay. Nhân bánh bạn có thể thay thế bằng nhiều loại nguyên liệu khác mà mình thích. 

Tạo hình cho những viên sa kê, cho nhân vào giữa rồi vo tròn, lăn qua một lớp bột xù. Làm lần lượt cho đến khi hết bột sa kê.

Dùng chảo đổ nhiều dầu rồi bật lửa lớn cho dầu sôi, hạ bớt lửa rồi cho từng chiếc bánh vào chảo dầu chiên. Bánh vàng thì rớt ra là đã có thể thưởng thức. Khi ăn bạn có thể chấm cùng tương ớt, tương cà hoặc mayonnaise. 

6. Sake kho tộ

Nguyên liệu: 1 trái sa kê, hành lá, tiêu xay, ớt và gia vị nêm nếm.

Sau khi rửa sạch, ráo nước, cắt sa kê ra thành miếng vuông vừa ăn. Đem chiên sơ với dầu ăn.

Cho chút dầu vào niêu rồi phi thơm hành trong niêu. Tiếp tục cho sa kê đã chiên sơ vào đảo đều.

Thêm mật mía hoặc đường, muối, nước tương, và ít nước lọc vào nồi.

Kho đến khi nào cạn nước thì cho hành lá và tiêu xay lên trên cho đẹp mắt. Như vậy là món sa kê kho tộ đơn giản dễ chế biến đã xong rồi đấy.

7. Chè sake rau củ béo ngậy

Thực hiện các bước sơ chế nguyên liệu rau củ và cắt thành những miếng vừa ăn. Hoặc cắt thành miếng vuông hạt lựu cho mau chín.

Bắt đầu nấu, các bạn đun sôi nước dừa, sau đó cho đậu phộng và đậu đỏ vào hầm cho mềm. Tiếp đến cho lá dứa, cùng với khoai lang, sa kê, khoai môn, nấm mèo vào nấu chung một lượt. Các loại củ đã chín thì cho thêm đường vào nồi. Lưu ý khi bỏ đường vào không nên để lửa quá to để đường thấm vào khoai củ.

Tiếp theo, đổ nước cốt dừa vào nồi nấu thêm. Đợi đến khi sôi lên thì cho bột bắp vào khuấy đều, thấy hỗn hợp sền sệt thì tắt bếp.

8. Món sake nấu kiểm

Ướp sa kê, bí đỏ, khoai lang và một số rau củ khác với đường khoảng 1 tiếng. Sau đó cho nước dừa vào, nấu chín với lửa nhỏ để các nguyên liệu chín mềm đều mà không bị nát. Sau đó, cho các nguyên liệu còn lại vào nấu cùng đến khi chín. cho bột báng và bột khoai vào sau. Tiếp tục nấu cho đến khi các nguyên liệu chín hết thì cho nước cốt dừa vào. Cho thêm một chút tàu hũ đậu và gia vị cho vừa miệng.

9. Mứt sake nước cốt dừa

Sơ chế sa kê sạch, rồi cho hỗn hợp gồm: nước cốt dừa, đường, tí xíu muối vào nồi và đun sôi. Dùng vá vớt phần bọt trắng nổi lên và cho sa kê vào. Sau đó cho lá dứa để lên trên sa kê và đậy nắp lại chờ đến khi nước trong nồi chuyển thành dạng sệt. Sau khi tắt bếp có thể tiếp tục đảo tay đến khi sa kê khô hơn. Khi ăn, có thể rắc thêm một ít mè rang lên trên để tăng thêm vị thơm ngon và đẹp mắt.

10. Canh sake nấu tôm

Nguyên liệu cho món sa kê nấu tôm bao gồm: sa kê, tôm, hành, gia vị,…

Cách làm: Tôm làm sạch rồi giã nhuyễn, đem ướp với gia vị cho vừa ăn. Sau khi gia vị ngấm vào tôm thì viên tròn phần tôm này. Nấu sôi một nồi nước, khi nước đã sôi lớn thì thả tôm viên cùng với sa kê cắt khúc đã chuẩn bị vào nấu cùng. Canh đun thêm 10 phút cho sake chín đều. Nêm nếm các loại gia vị cho vừa miệng với gia đình rồi tắt bếp. Múc ra chén và có thể thưởng thức được rồi. 

Chúc các bạn thành công với các món làm từ trái Sa kê thơm ngon. Vị bùi bùi béo béo của loại quả này chắc hẳn không ai có thể quên.

Leave a Comment